Có thời tiết khác biệt với điều kiện tự nhiên cũng như con người khá độc đáo, tạo nên những nét ẩm thực Sapa riêng không nơi nào có.
Ăn gì ở Sapa? Bài viết này sẽ giới thiệu các món ăn ngon nhất ở Sapa, giúp du khách tìm hiểu và gọi món phù hợp để cùng thưởng thức với gia đình và bạn bè.
1, Lẩu cá hồi Sapa
Món đầu tiên phải nhắc đến là lẩu cá hồi. Bất kể mùa đông hay mùa hè, các món lẩu luôn được ưa thích tại Sapa, đặc biệt là lẩu cá hồi. Một phần vì cá hồi là sản phẩm của địa phương, tươi ngon, không phải sản phẩm đông lạnh hay không rõ nguồn gốc như ở nơi khác. Một phần thời tiết mát quanh năm, mùa hè ngồi ăn lẩu ở Sapa cũng không thấy nóng.
Phần xương và đầu cá sẽ được ninh thành nước dùng. Mỗi nhà hàng sẽ có cách chế biến riêng, nhưng nước lẩu cá hồi luôn phải có vị chua của dứa và vị cay cay của sa tế. Phần thịt đã được lọc xương thái mỏng ngang thân, cùng với các loại rau tươi non của Sapa, làm nên món ăn ngon không thể bỏ qua.
2, Các món nướng ở Sapa
Ẩm thực Sapa nổi tiếng nhất là các món nướng, hầu như bất cứ thứ gì cũng cho lên nướng được. Từ ngô khoai là những món dễ nướng nhất, các món thịt quấn rau, quấn nấm Sapa, cơm lam, cho đến chân gà, hạt rẻ, chả cá, rồi kể cả trứng cũng nướng nốt.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các quán, các dãy phố chuyên đồ nướng sáng đèn nhộn nhịp. Thời tiết mát lạnh về đêm trong mùa hè, giá buốt về mùa đông là lý do những bếp than hồng nơi đây luôn bốc khói nghi ngút quanh năm.
3, Các món từ thịt lợn bản Sapa
Thịt lợn bản hay còn gọi là lợn cắp nách vì kích thước nhỏ bé được nuôi theo truyền thống thả dông của đồng bào dân tộc. Ngày nay để phục vụ số lượng đông đảo du khách đến Sapa, nguồn lợn bản đa số được nuôi theo các mô hình trang trại.
Đặc điểm của loại lợn bản là nhẹ cân chỉ khoảng 10 kg, con to cũng chỉ 15 kg, phần thịt mỏng, lớp mỡ ít. Khi quay cả con phần da dòn, phần mỡ teo lại, hầu như chỉ còn phần thịt nạc thơm ngon.
Các món ăn ngon từ thịt lợn cắp nách: hấp, lòng luộc, xương nấu canh măng, xào lăn… ngon nhất vẫn là món quay.
4, Thắng Cố
Là món ngon của người H’ Mông ở Bắc Hà, thành phần chủ yếu làm từ nội tạng ngựa. Để thưởng thức hương vị đặc trưng nguyên bản của Thắng Cố du khách nên ghé thăm chợ phiên Bắc Hà vào chủ nhật hàng tuần.
Tại đây có những quầy hàng với những nồi thắng cố được chế biến đơn giản nhất, làm sạch nội tạng ngựa, thái miếng rồi cho vào một nồi to cùng với lá chanh, quế, xả… rồi đun chín lên. Khi ăn múc lên từng bát nhỡ nóng hổi có giá 40 – 50 chục ngàn. Từ sáng sớm đến khi tan chợ quầy thắng cố lúc nào cũng nhộn nhịp, là nơi đàn ông bản địa gặp gỡ với những chén rượu ngô thơm nồng.
Ở Sapa thắng cố thường được chế biến thành lẩu để dễ ăn và lịch sự hơn nhằm phục vụ khách du lịch.
5, Rau cải mèo xào thịt hun khói
Rau cải mèo là cách gọi rau cải của người H’ Mông, ăn có vị hơi đắng ngọt. Dùng để luộc, ăn lẩu, xào tỏi, xào thịt bò thịt lợn đều ngon. Đặc biệt rau cải mèo xào với thịt lợn hun khói cùng với tỏi là món ngon ở Sapa không nên bỏ qua.
Thịt hun khói có thể là loại mua trong siêu thị, khi xào cùng rau cải mèo sẽ có vị đặc trưng, nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt gác bếp của người dân ở Sapa.
6, Rau quả xu xu
Ngọn xu xu xào tỏi hay quả xu xu luộc chấm muối vừng là món ăn hầu như quán cơm nhà hàng nào cũng có.
Có thể được trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu ngon bằng rau quả xu xu trồng tại Sapa. Khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt giúp cho các loại rau trồng tại Sapa non tơ quanh năm.
Không cần chăm bón hay tưới tiêu nhiều, rau xu xu Sapa cứ thế bám vào dàn làm sẵn hoặc bám vào đá vươn lên xanh mơn mởn. Trên đường đi lên Thác Bạc du khách sẽ bắt gặp những dàn xu xu trải dài cheo leo bên sườn núi.
7, Măng trúc Sapa
Loại măng nhỏ như ngón tay cái mọc trên những dãy núi Hoàng Liên Sơn. Chỉ người dân bản địa, đặc biệt là người H’Mông mới biết chỗ măng mọc. Mùa măng ở Sapa từ khoảng tháng 3 đến tháng 9.
Măng trúc nếu xào thịt bò hoặc nấu canh khi ăn có vị hơi đắng, giòn, loại măng này ngon nhất khi chủ yếu dùng để ngâm cùng tỏi ớt.
Món ăn này đặc biệt không có trong các nhà hàng, du khách muốn thưởng thức thì tự mua theo từng bó của người dân địa phương, có bán tại chợ Sapa, hoặc tại điểm thăm quan Thác Bạc.
8, Rượu táo mèo Sapa
Rượu táo mèo là sản phẩm ẩm thực Sapa nổi tiếng từ lâu. Quả táo mèo nhỏ như ngón chân cái, mọc trong rừng, ăn trực tiếp có vị chua chát.
Khi ngâm với đường tạo thành siro dậy hương thơm tự nhiên, sau đó hòa với rượu gạo theo tỉ lệ nhất định tạo thành rượu táo mèo. Khi uống hơi chua rốt đầu lưỡi, ngọt và êm.
9, Rượu ngô Bắc Hà
Rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng với độ mạnh nhưng không sốc, lại thơm mùi ngô tự nhiên. Rượu được chế biến bằng cách ngâm ủ ngô, lên men bằng men lá, sau đó trưng cất bằng cách nấu rượu truyền thống.
Ghé thăm bản Phố cách chợ Bắc Hà 5km, nơi nổi tiếng nhất về nấu rượu ngô, du khách có thể xem, thử rượu hoặc mua rượu về làm quà.
10, Các loại hoa quả Sapa
Thời tiết ôn đới nên Sapa không có nhiều loại hoa quả. Có thể kể đến như đào, mận Sapa, mận Bắc Hà cho quả vào mùa hè khoảng tháng 5, tháng 6. Đào Sapa quả nhỏ, thịt rắn và ăn đậm đà hơn đào nơi khác. Đào Sapa thường có những vết đen do thời tiết lạnh ẩm, không có nắng vào mùa xuân nên quả không được to mộng đẹp.
Mận Bắc Hà nổi tiếng cả nước vì chất lượng không nơi đâu sánh bằng, quả tím mộng to như ngón chân cái, ăn ngọt hơi chua rốt.
Vào tháng 8, tháng 9 có lê Sapa, còn gọi là quả mắc cọp, ăn ngọt chua mát.
>> Nên đi du lịch Sapa mùa nào, tháng mấy đẹp nhất?
11, Các món ẩm thực khác
Ẩm thực Sapa khá phong phú và còn nhiều món ăn ngon khác, tuy nhiên do sự đặc biệt hoặc do cạn kiệt nguồn nguyên liệu để chế biến nên chúng tôi không giới thiệu chi tiết.
Có thể kế đến món mèn mén (bánh ngô) của người H’Mông, xôi ngũ sắc của người Giáy ở Tả Van. Những món ăn này chỉ có người dân bản địa chế biến, không phổ biến nên khó có cơ hội thưởng thức.
Hiện tại trên mạng có khá nhiều bài viết về các món ăn ngon ở Sapa, giới thiệu nhiều món mà gần như không còn nguyên liệu chính gốc ở Sapa. Chẳng hạn, nấm hương Sapa phải vào rừng tìm kiếm, số lượng rất hạn chế, người dân bản địa lấy về còn không đủ ăn lấy đâu ra phục vụ lượng lớn khách du lịch.
Tương tự, cá suối Sapa cũng không có luôn. Trong quy mô nhà hàng quán ăn phục vụ đông đảo khách du lịch, nếu có thịt gà bản hay gà đen H’Mông thì chắc chắn không phải nguồn gốc từ các bản làng ở Sapa.
>> Đọc thêm: Từ Hà Nội đi Sapa bằng gì cách bao nhiêu km?